Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, AI rất có thể tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong lịch sử Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành cường quốc.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc tại Tập đoàn FPT ngày 15/2 (Ảnh: BTC).
Ngày 15/2, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đến thăm và làm việc tại Tập đoàn FPT.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những thành tựu FPT đạt được trong năm 2023 và khẳng định: "FPT bây giờ đã lớn, thuộc nhóm những doanh nghiệp top đầu Việt Nam".
Bộ trưởng nhấn mạnh FPT đã đi ra toàn cầu, cạnh tranh quốc tế và đến lúc trả lại công cho Việt Nam. Qua đó, Bộ trưởng kêu gọi FPT hãy dùng công nghệ để hiện đại hóa, chuyển đổi số Việt Nam, biến Việt Nam hóa rồng, hóa hổ và trường tồn.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện có trên 40.000 doanh nghiệp Công nghệ số, phần lớn là quy mô nhỏ. Bởi vậy, thành công của FPT sẽ truyền cảm hứng cho doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt khi đi ra nước ngoài.
Đặt cược vào AI, chip bán dẫn là chiến lược đúng đắn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số, chuyển đổi số, AI và sự kiên định với sức mạnh ban đầu là các yếu tố đã tạo nên thành công cho FPT nói riêng, và các doanh nghiệp công nghệ số trong thời đại mới nói chung.
"Sự đặt cược của FPT vào AI, chip bán dẫn và công nghệ phần mềm ô tô, đặc biệt AI là chiến lược rất đúng đắn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong tương lai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi gắm FPT đưa công nghệ vào đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để thay đổi cuộc sống của trái đất cũng như xây dựng hạ tầng số, góp phần phát triển kinh tế số.
Theo Bộ trưởng, AI rất có thể tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong lịch sử Việt Nam (Ảnh: Getty).
Bộ trưởng cũng tin rằng, FPT sẽ thành công ở mảng AI - công nghệ chính và quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. AI phải được phổ cập như dịch vụ và trách nhiệm thuộc về các công ty công nghệ số như FPT.
Năm 2024 sẽ là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về Công nghiệp bán dẫn.
Đây là ngành công nghiệp nền tảng và là ngành công nghiệp trọng yếu của quốc gia trong vòng 30-50 năm nữa. Theo Bộ trưởng, FPT muốn phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử phải có tầm nhìn lớn hơn và quyết tâm lớn hơn.
Đạt mục tiêu lớn nhờ hướng tới 2 yếu tố: Con người và hạnh phúc
Ông Trương Gia Bình, chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, cho biết năm 2023, FPT đạt doanh thu 52.618 tỷ; tăng trưởng 19,6%; lợi nhuận 9.203 tỷ - tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Điểm nhấn đặc biệt là doanh thu dịch vụ CNTT từ nước ngoài của FPT lần đầu đạt 1 tỷ USD, FPT đã mở rộng hiện diện ở 30 quốc gia trên toàn cầu.
Theo ông Bình, để đạt mục tiêu lớn, FPT sẽ hướng tới 2 yếu tố quan trọng nhất, đó là con người và hạnh phúc. Theo ông, FPT luôn hướng tới việc sử dụng AI để giúp con người, cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn. Đây cũng là động lực chính đưa FPT tới gần hơn với cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam.
Ông Trương Gia Bình, chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ về những điểm nhấn và định hướng của tập đoàn (Ảnh: BTC).
Tại buổi làm việc, ông Trương Gia Bình chia sẻ rằng AI, bán dẫn và công nghệ ô tô là 3 hướng đi khối công nghệ FPT sẽ tập trung.
Ở cả ba hướng đi này, FPT có nền tảng tích lũy qua nhiều năm. FPT có đội ngũ chuyên gia AI đông đảo, xây dựng trung tâm Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn và tham gia vào liên minh AI thế giới do IBM và Meta khởi tạo.
Ở lĩnh vực chip bán dẫn, FPT Semiconductor hiện là công ty Việt Nam đầu tiên thiết kế chip thương mại hóa, có đơn đặt hàng 70 triệu chip cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… và hợp tác với nhiều tổ chức, công ty tại Nhật Bản, Mỹ.
Ngoài ra, tập đoàn có đội ngũ 4.000 chuyên gia trong mảng công nghệ phần mềm ô tô và nhiều đối tác, khách hàng là các hãng tên tuổi lớn toàn cầu, thành lập công ty FPT Automotive.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đồng quan điểm, khi cho rằng AI rất có thể tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong lịch sử Việt Nam. Theo Bộ trưởng, người Việt Nam vốn mạnh nhất ở khả năng linh hoạt nhưng yếu ở kiến thức nền tảng.
Tuy nhiên giờ đây, với sự trợ giúp của AI những kiến thức nền tảng sẽ được giải quyết. "Khó thì hỏi AI, AI sẽ giúp người Việt Nam có kiến thức nền tốt", Bộ trưởng cho biết.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh rằng sự linh hoạt của con người thì không máy móc nào khơi dậy được. Bởi vậy, chúng ta có cả kiến thức nền và sự linh hoạt, ứng biến, thì người Việt Nam sẽ đi lên, đồng thời có cơ hội trở thành cường quốc.
Nguồn: dantri.com.vn
Hôm nay: 291
Tổng lượng truy cập: 1842229