Trí tuệ nhân tạo (AI) đang bùng nổ mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có báo chí.
Vừa qua, tôi được Ban Biên tập Báo Hải Dương giao thí điểm thiết kế trang bìa báo Xuân Giáp Thìn 2024 bằng AI để đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ các bức ảnh và yêu cầu đề ra, tôi cùng cộng sự là một chuyên gia về ứng dụng AI đã tạo ra 3 phương án ảnh bìa chỉ trong 1 ngày. Không chỉ sản xuất với tốc độ cực nhanh, nếu được chỉnh sửa nhiều lần, các bức ảnh do AI tạo ra còn có bố cục, ánh sáng, nhân vật… rất tốt, thậm chí hơn cả ảnh gốc. Khi xem các bức ảnh bìa này, nhiều phóng viên, biên tập viên đã trầm trồ thán phục trước sức mạnh của AI với báo chí.
Chỉ cần đánh cụm từ “AI và báo chí” trên Google sẽ cho ra khoảng 276 triệu kết quả, đủ cho thấy mức độ “nóng” của AI và những tác động của nó tới báo chí, truyền thông. Đọc các bài báo của những nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà báo… nói về chủ đề AI và báo chí, mỗi chúng ta sẽ dần dần thấy “bức tranh” toàn cảnh. Điều nhắc tới đầu tiên là AI mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội nói chung, trong đó có báo chí.
Trong bài viết “Chat GPT, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Báo chí” đăng trên báo Nhân Dân, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Trí tuệ nhân tạo (AI). Trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo. Giờ thì đi đâu người ta cũng nhắc mấy từ này” và “ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng, sinh ra bất kỳ cái gì từ các bài luận cho đến đơn xin việc, cho đến thơ và cả các câu chuyện giả tưởng”.
Những tác dụng lớn khác do AI phải kể đến là tăng cường năng suất, hiệu quả trong nghề báo. AI có thể tự động hóa các công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại, giúp các nhà báo tập trung vào những nhiệm vụ sáng tạo, có tính chuyên môn cao hơn. Ví dụ, AI có thể được sử dụng để tự động thu thập dữ liệu, gợi ý cách đặt tít, cách triển khai tin bài… AI còn hỗ trợ các cơ quan báo chí tiếp cận, xử lý thông tin từ nhiều nguồn khác nhau một cách nhanh chóng và nâng cao trải nghiệm của độc giả. Những cỗ máy trí tuệ nhân tạo khổng lồ này được sử dụng để cá nhân hóa nội dung tin tức, tạo ra các sản phẩm truyền thông đa dạng, hấp dẫn hơn hoặc giúp độc giả tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn.
Ở Việt Nam hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng AI trong hoạt động ở các mức độ và công việc khác nhau. Chẳng hạn, trong số báo Chào năm mới, báo Tuổi trẻ có chuyên đề về sự bùng nổ của AI trong năm 2024 sẽ thay đổi đời sống của mọi người. Hình ảnh trang nhất của báo được thực hiện với công nghệ AI.
Nhưng sẽ là ảo tưởng và nguy hại nếu chỉ nhìn thấy mặt tích cực của AI. Những thách thức, hạn chế, tác hại của AI cũng là vấn đề đáng lo.
Các ứng dụng của AI có thể tìm kiếm, tổng hợp thông tin sai lệch. Chúng có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động, nhưng nó không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường. Chúng cũng không thể thay thế được tính nhân văn, nhân đạo, tính người của các nhà báo. Một bài thơ có thể đúng liêm luật nhưng thiếu cảm xúc thì không phải là một bài thơ nữa.
Nói như PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp.
Rõ ràng, AI là một công nghệ mang tính đột phá, tác động sâu sắc đến ngành báo chí. Các cơ quan báo chí cần nhận thức rõ những tác dụng, nguy cơ của AI để có thể ứng dụng một cách hiệu quả, góp phần xây dựng một nền báo chí Việt Nam phát triển bền vững.
Nguồn: tuoitre.vn
Hôm nay: 112
Tổng lượng truy cập: 1850271