Tỉnh Hải Dương sẽ rà soát các văn bản, nghị quyết, quy định hiện hành liên quan đến xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và đô thị thông minh (ĐTTM), để có kế hoạch mới phù hợp thực tế, phân công thực hiện, phối hợp gắn trách nhiệm từng sở, ngành, đơn vị cũng như từng cá nhân.
3 dự án nền tảng, cốt lõi để xây dựng CQĐT và ĐTTM trên toàn tỉnh
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương nhấn mạnh Đề án “Xây dựng CQĐT và ĐTTM tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030” đóng vai trò quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh, góp phần cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.
Vì vậy, việc triển khai Đề án cần thực hiện đồng bộ, thống nhất và chất lượng, đáp ứng đúng danh mục, tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến về ứng dụng CNTT.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2022 - 2023, có 3 dự án thành phần quan trọng sẽ được triển khai và hoàn thành, bao gồm dự án về hạ tầng CNTT cho CQĐT và ĐTTM; Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Hải Dương (IOC); Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng (SOC). Đây được xem là 3 dự án mang tính chất làm nền tảng, cốt lõi để triển khai các ứng dụng khác phục vụ xây dựng CQĐT và ĐTTM trên toàn tỉnh.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo CNTT tỉnh để nghe báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, CĐS 6 tháng đầu năm, đề xuất triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại các chương trình, đề án, dự án thành phần về CĐS để xác định nhiệm vụ thời gian tới bảo đảm đúng, chính xác, trên nguyên tắc mục tiêu cố định, thực hiện nhiệm vụ cụ thể có thể thay đổi, linh hoạt, phù hợp thực tế từng thời kỳ.
Đối với chương trình xây dựng CQĐT và ĐTTM tỉnh Hải Dương, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ rà soát các văn bản, nghị quyết, quy định hiện hành để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chương trình mới phù hợp thực tế.
Kiến trúc mới của chương trình sẽ được hình thành trên cơ sở thu gọn hoặc bổ sung số lượng dự án thành phần nếu cần thiết từ những dự án thành phần hiện có. Đặc biệt, chương trình phải có sự phân công tổ chức thực hiện, cơ chế phối hợp, dự trù kinh phí rõ ràng, gắn trách nhiệm từng sở, ngành, đơn vị cũng như trách nhiệm từng cá nhân.
Tất cả thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện sẽ được cung cấp trực tuyến toàn trình
Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 8 vừa qua của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), các báo cáo cho biết trong tháng 7/2023, các phòng, đơn vị thuộc Sở đã chủ động tham mưu triển khai các công việc theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh như xây dựng Chính quyền số, phát triển dịch vụ ĐTTM tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; dự án về CNTT; Đề án 06; Triển khai 3 lớp Tập huấn Kỹ năng an toàn thông tin cho cán bộ công chức…
Theo đó, Sở TT&TT đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2023; Đề án Xây dựng Chính quyền số, phát triển dịch vụ ĐTTM tỉnh Hải Dương giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Công tác xây dựng CQĐT được tỉnh Hải Dương triển khai đồng bộ, bảo đảm tiến độ các chương trình, dự án ứng dụng CNTT. Hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước từng bước được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh hoạt động đã tạo tính kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Thúc đẩy các DVCTT, xây dựng và cung cấp DVCTT toàn trình là một nội dung quan trọng để thực hiện chính quyền điện tử. Theo Sở TT&TT, đến ngày 1/8, Hải Dương có gần 600 TTHC đủ điều kiện cung cấp trực tuyến toàn trình, chiếm 31% tổng số TTHC của tỉnh đang cung cấp, tăng gần 300 thủ tục so với đầu tháng 6/2023. Một số lĩnh vực có TTHC đủ điều kiện cung cấp toàn trình nhiều là thông tin - truyền thông (100% số TTHC đủ điều kiện); khoa học - công nghệ (41% số TTHC đủ điều kiện); công thương (32% số TTHC đủ điều kiện)...
Các TTHC đủ điều kiện cung cấp trực tuyến toàn trình góp phần thúc đẩy chương trình CĐS của Hải Dương do quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thanh toán lệ phí (nếu có) sẽ hoàn toàn thực hiện trên môi trường mạng và kết quả giải quyết được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
Hiện toàn tỉnh đang cung cấp 1.918 TTHC. Theo kế hoạch CĐS của UBND tỉnh Hải Dương, năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu 100% số TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình.
Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, triển khai hiệu quả các văn bản của Trung ương, tỉnh về CĐS; xây dựng, ban hành quy chế, quy định về quản lý, vận hành các hệ thống CNTT; tăng cường hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, khu dân cư; đẩy mạnh công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC...
Hiện nay, các sở, ngành, địa phương đang tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình, bổ sung các TTHC đủ điều kiện cung cấp trực tuyến toàn trình. Dự kiến, tháng 12/2023, tất cả TTHC đủ điều được cung cấp toàn trình./.
Nguồn: ictvietnam.vn
Hôm nay: 242
Tổng lượng truy cập: 1842180