Việc tuyển dụng người có trình độ công nghệ thông tin vào làm việc tại các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn do lương và các chế độ chính sách còn thấp, chưa đủ sức thu hút; khả năng thăng tiến và phát triển thấp.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng này đã được cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện.
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong việc xây dựng, bảo vệ đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh, một trong 6 mục tiêu chính của ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong thời gian tới là phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong nước về số lượng và chất lượng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho khu vực và thế giới.
Chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính: Xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số là quá trình tất yếu để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Trong xu thế toàn thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ứng dụng rộng rãi các thành tựu của công nghệ thông tin, tự động hóa, nguồn nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số ngày càng thể hiện vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn nhân lực thiếu hụt trầm trọng
Đánh giá về hiện trạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Bộ Nội vụ cho biết, khi nhu cầu về nhân lực công nghệ số đang thực sự cấp bách, Nhà nước đã có chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nhiều trường cao đẳng, đại học đã mở ngành đào tạo nhưng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số của nước ta vẫn đang thiếu hụt trầm trọng.
Hiện chưa có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, số liệu thống kê về nhân lực công nghệ thông tin từ Trung ương tới địa phương. Các số liệu về nhân lực trong lĩnh vực này chủ yếu được tổng hợp qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Tuy nhiên, báo cáo năm 2022 về thị trường và nhu cầu nhân sự công nghệ thông tin do TopDev (nền tảng tuyển dụng công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam) phát hành cho thấy, trong năm 2020, Việt Nam thiếu đến hơn 100 nghìn nhân lực công nghệ thông tin. Năm 2022, con số này tăng lên 150 nghìn nhân lực. Năm 2023, ước tính riêng ngành phần mềm cần 600 nghìn nhân lực, trong khi số lượng đáp ứng được chỉ là 425 nghìn, thiếu 175 nghìn nhân lực.
Nền tảng này chỉ ra rằng, thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin luôn là bài toán nan giải nhất của thị trường công nghệ thông tin. Mặc dù mức lương và thưởng của ngành này liên tục tăng nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức trong việc tìm kiếm và đào tạo nhân tài. Dự đoán từ năm 2022 - 2024, Việt Nam sẽ thiếu hụt từ 150 - 195 nghìn lập trình viên/kỹ sư hàng năm.
Lương và các chế độ chính sách còn thấp
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, cùng nhiều bộ, ngành, địa phương phản ánh, việc tuyển dụng người có trình độ công nghệ thông tin vào làm việc tại các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn do lương và các chế độ chính sách còn thấp, chưa đủ sức thu hút; khả năng thăng tiến và phát triển thấp. Môi trường làm việc chưa đáp ứng (thiết bị, cơ sở vật chất), chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút đội ngũ làm công nghệ thông tin có chất lượng cao… Các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Tiền Giang cho biết, có tình trạng công chức, viên chức sau khi được tuyển dụng xin thôi việc để chuyển ra ngoài khu vực tư nhân.
Theo dự báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, số liệu về cung cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số Việt Nam năm 2023 là 1,6 triệu nhân lực, năm 2030 là trên 2,7 triệu nhân lực.
Tổng hợp số liệu của 24 cơ quan Trung ương (các ban của Đảng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) và 48 địa phương, Bộ Nội vụ cho biết, năm 2023, yêu cầu sử dụng người có trình độ công nghệ thông tin lớn hơn gấp đôi số lượng chỉ tiêu biên chế được giao. Năm 2021, sử dụng 10.865/5.426 chỉ tiêu biên chế. Năm 2022, sử dụng 11.253/5.568 chỉ tiêu biên chế. Năm 2023 (tính đến ngày 22/7), sử dụng 14.682/6.215 chỉ tiêu biên chế.
Đơn cử, năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ được giao 97 chỉ tiêu biên chế làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, nhưng thực tế đang sử dụng 220 người cho nhiệm vụ này. Bộ Giao thông Vận tải 128/42 chỉ tiêu, Bộ Khoa học và Công nghệ 80/45 chỉ tiêu, tỉnh Thanh Hóa 262/67 chỉ tiêu, Lào Cai 158/77 chỉ tiêu, Vĩnh Long 3.318/161 chỉ tiêu.
Ở chiều ngược lại, cũng có những bộ, ngành, địa phương không sử dụng hết số biên chế được giao như Trung ương Đoàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp… Trong khối bộ, ngành, ngành Tài chính có nguồn nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số dồi dào hơn cả với 1.774 người đang làm việc, trong khi chỉ tiêu biên chế được giao là 1.848. Thành phố Hải Phòng mới chỉ sử dụng 4/245 chỉ tiêu biên chế làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng.
Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chủ trương đó đã được khẳng định trong nhiều văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng. Nghị quyết số 36-NQ/TW đã xác định việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số phải gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đặt mục tiêu “phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước về số lượng và chất lượng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số chất lượng cao cho khu vực và thế giới”.
Để cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP, trong đó có nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới và xây dựng chính sách thu hút và đãi ngộ, chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Nghị quyết cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số - một trong những yêu cầu chủ chốt nếu Việt Nam muốn tiếp tục phát triển và tăng trưởng ngành công nghệ thông tin, công nghệ số, cũng như muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Lực lượng lao động công nghệ thông tin được đào tạo bài bản sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tiên tiến dựa trên tri thức.
Trong các cơ quan nhà nước hiện nay, người làm công tác công nghệ thông tin được xác định chung là công chức, viên chức và được hưởng chế độ, chính sách chung đối với cán bộ, công chức, viên chức. Nhằm giữ và tuyển dụng mới nguồn nhân lực công nghệ thông tin; xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và khả năng ngân sách, một số bộ, ngành, địa phương đã ban hành chính sách thu hút như: Hà Nội, Nghệ An, Tiền Giang… Tuy nhiên, về cơ bản việc thu hút người có trình độ công nghệ thông tin làm việc tại các cơ quan nhà nước hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.
Tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ cho biết, 21 bộ, ngành, địa phương có kiến nghị xây dựng chế độ hỗ trợ đối với người làm công tác công nghệ thông tin.
Nguồn: baotintuc.vn
Hôm nay: 376
Tổng lượng truy cập: 1788998