Chiều ngày 22/12/2021, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 và đề ra kế hoạch phát triển trung hạn giai đoạn 2022 - 2024, định hướng đến năm 2025.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 77 điểm cầu. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương.
Về phía Bộ TT&TT có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các Thứ trưởng: Phan Tâm, Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long, các đồng chí lãnh đạo Bộ TT&TT qua các thời kỳ, đại diện các UBND một số tỉnh thành, đại diện các Sở TT&TT; các doanh nghiệp BCVT-CNTT, các hội, hiệp hội và các cơ quan báo chí.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Bộ TT&TT không chỉ có sứ mệnh tiên phong, mở đường mà phải đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy các tỉnh, các Bộ, ngành trong tiến trình chuyển đổi số
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá rất cao vai trò của ngành TT&TT trong năm 2021, một năm khó khăn của đất nước khi phải trải qua đại dịch COVID-19. “Chúng ta đã cùng nhau vượt qua năm 2021, vượt qua những khó khăn, có những tổn thất lớn, trong đó không thể thiếu được sự đóng góp rất quan trọng của ngành TT&TT”.
Phó Thủ tướng nhắc lại, vào những năm 1990 khi chuyển từ công nghệ analogue sang kỹ thuật số (digital), ngành Bưu điện đã được trao sứ mệnh “tiên phong mở đường”. Nay trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ngành TT&TT không chỉ tiếp tục sứ mệnh tiên phong mở đường, mà còn thêm nhiệm vụ “đồng hành, thúc đẩy” các Bộ ngành khác, các địa phương trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2021, trong chiến dịch phòng chống COVID-19 nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung, báo chí, truyền thông đã đồng hành cùng Chính phủ, cùng các cơ quan ban, ngành động viên toàn thể Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của các Bộ, ngành và góp lại là chính sách chung của Chính phủ, Đảng và Nhà nước; kể cả trong những lúc khó khăn nhất trong thời kỳ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, niềm tin và sự đồng hành của người dân với các chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng
COVID-19 đã đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi số đã xâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Để thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ TT&TT không chỉ đồng hành, mà còn đóng vai trò hỗ trợ và thúc đẩy các địa phương, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp ICT Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chúng ta đã cơ bản xây dựng được các Chiến lược, Đề án; các địa phương cơ bản đã thấy được những công việc cần phải làm. Chuyển đổi số hay ứng dụng CNTT không chỉ phụ thuộc công nghệ, mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà người làm công nghệ không thể làm chủ được.
Bộ TT&TT và Thái Nguyên đã phối hợp hình thành các mô hình xã chuyển đổi số. Cần tiếp tục điều đó, hãy đặt ra những bài toán cụ thể tại các địa phương, thậm chí ở quy mô rất nhỏ, rồi từ đó nhân rộng ra thì rất tốt.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dữ liệu, coi đó là “yếu tố sống còn” trong tiến trình chuyển đổi số
Năm 2022, chúng ta cần phải làm mạnh hơn về dữ liệu, Phó Thủ tướng chỉ đạo. Chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp gồm thuế, hải quan, ngân hàng, đăng ký doanh nghiệp…,Trong năm 2022 chúng ta phải làm bằng được Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên, đặc biệt là về đất đai. Ba cơ sở dữ liệu lớn này kết hợp với thanh toán điện tử sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đưa cả ba trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) có những bước tiến vững chắc, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất cho đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT
Thành công lớn nhất năm 2021 của Bộ TT&TT chính là vượt qua nỗi sợ bị phê bình, bị chỉ trích
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, năm 2021 là một năm đất nước có nhiều khó khăn, cả nước phải căng mình chống chọi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 giúp chúng ta có một cách tiếp cận đúng với các vấn đề. Thay vì lo sợ và tìm cách giấu đi hay bao biện thì chúng ta đã chọn cách nhận trách nhiệm và tìm cách giải quyết. Tiếp cận đúng vấn đề là cơ may hiếm có để ngành TT&TT phát triển. Đi qua khó khăn và thách thức đã làm cho chúng ta tự tin hơn và quan trọng hơn tất cả là tinh thần sẵn sàng đương đầu với các vấn đề phát sinh, coi đây là động lực cho phát triển. Thành công lớn nhất năm 2021 của Bộ TT&TT chính là vượt qua nỗi sợ bị phê bình, bị chỉ trích, Bộ trưởng nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng, đại dịch COVID-19 chính là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số. COVID-19 đã giúp con người bước ra khỏi giấy tờ và đối mặt với cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của hàng trăm triệu người dân về chuyển đổi số, về truyền thông. Trong chuyển đổi số, quan trọng nhất là kết nối dữ liệu, Bộ TT&TT với vai trò là người điều phối, sẽ kết nối, thúc đẩy đồng hành với các đơn vị trong lĩnh vực công nghệ số, báo chí truyền thông…
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì cho đồng chí Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ TT&TT
Về triển khai công tác năm 2022, người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới. Năm 2022, cũng cần phải thiết kế lại vận hành của tổ chức, phẳng hóa bộ máy, tự động hoá các báo cáo, cần phải đầu tư nhiều hơn vào công cụ làm việc dựa trên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI)… Vì khác biệt căn bản nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là máy móc thay lao động trí óc của con người.
Các đầu tư của Bộ, của ngành từ năm 2022 sẽ tập trung vào công nghệ số để giảm tải cho cán bộ công nhân viên. Việc thì nhiều hơn, yêu cầu thì cao hơn nhưng thời gian làm việc thì phải ít hơn.
Về các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hứa tiếp thu, cụ thể hoá trong kế hoạch hành động năm 2022 và sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm 2022 mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Cờ thi đua của Bộ TT&TT năm 2021 cho năm cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT gồm: Văn phòng Bộ, Vụ Công nghệ thông tin, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Thông tin cơ sở, Tạp chí TT&TT.
Đối với kiến nghị của các đại biểu, Văn phòng Bộ TT&TT sẽ tổng hợp, đưa vào kế hoạch năm 2022 để xử lý và cam kết xử lý nhanh nhất theo tinh thần là việc 5 năm thì làm 1 năm.
*Cũng tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo - nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT; trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Phạm Đức Long - Thứ trưởng Bộ TT&TT.
Năm cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT được trao tặng Cờ thi đua của Bộ TT&TT năm 2021 gồm: Văn phòng Bộ, Vụ Công nghệ thông tin, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Thông tin cơ sở, Tạp chí TT&TT.
Nguồn: Theo mic.gov.vn
Hôm nay: 225
Tổng lượng truy cập: 1853712